Chính quyền điện tử xã Phước Gia kính chào bạn đọc

Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Về thăm căn cứ Phước Trà

Người đăng: QT Hệ thống Ngày đăng: 14:08 | 28/12 Lượt xem: 878

Kỷ niệm 39 năm giải phóng quê hương, chúng tôi thực hiện chuyến “về nguồn”, đến với căn cứ Phước Trà (khu 5) đóng trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Trời hầm hập nóng, đường đi lại hư hỏng nhiều đoạn vậy mà ai cũng hưng phấn. Ý định tìm hiểu cặn kẽ về căn cứ cách mạng huyền thoại của khu 5 đã thôi thúc chúng tôi…

Lần theo dấu sử

Sau Hiệp định Giơnevơ (7.1954), cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Lúc này, chủ trương của ta là bảo toàn lực lượng, giữ vững mối liên lạc với Trung ương Đảng để tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng đang sục sôi ở miền Trung và Tây Nguyên. Chiến lược của ta là lấy miền núi làm căn cứ, dựa vào sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc thiểu số một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ để xây dựng thế trận lòng dân. Từ đây, với thế đứng chân vững chắc, ta hướng về đồng bằng, phát triển phong trào cách mạng rộng khắp ở cả nông thôn lẫn thành phố. Theo từng giai đoạn, phân tích thực tế tình hình để có những bước đi chiến lược, căn cứ cách mạng của Khu ủy khu 5 được di chuyển khắp vùng rừng núi Quảng Nam. Cuối năm1955 đến 1959, Liên khu ủy 5 đã chọn huyện Hiên (nay là Đông Giang, Tây Giang) làm căn cứ đầu tiên. Từ năm 1959 đến năm 1972, căn cứ Liên khu ủy khu 5 liên tục phải di chuyển địa điểm hoạt động từ Hiên đến Trà My lập căn cứ Nước Là, sau đó chuyển xuống Nước Oa.

Tham quan mô hình căn cứ Khu ủy khu 5 năm xưa. Ảnh: Q.VIỆT
Tham quan mô hình căn cứ Khu ủy khu 5 năm xưa. Ảnh: Q.VIỆT

Đến năm 1973, để có sự chỉ đạo kịp thời nhằm đối phó với âm mưu và thủ đoạn của địch sau Hiệp định Paris, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu 5 quyết định dời căn cứ từ Nước Oa (Trà My) về Phước Trà (Hiệp Đức). Phước Trà cách Tân An khoảng 15km về phía tây, cách tỉnh lộ 612 khoảng 4km về phía nam, từ đây tỏa về vùng đồng bằng có nhiều đường thuận tiện. Việc chuyển căn cứ từ vùng núi cao Nước Oa xuống vùng giáp ranh đồng bằng Phước Trà và đóng sát nách kẻ thù là một quyết định hết sức táo bạo mà sáng suốt của Khu ủy khu 5 lúc bấy giờ. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công  và Khu ủy đã chỉ đạo thành công chiến dịch giải phóng Nông Sơn  - Trung Phước, chi khu Thượng Đức, đập tan căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng… góp phần to lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dấu ấn căn cứ cách mạng

Giữa trưa, chúng tôi đến nhà trưng bày hiện vật, nhà và hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công, bia trung tâm di tích, bia Ban Tuyên huấn, bia Thông tấn xã Việt Nam cho đến hội trường, giếng nước, ao cá… đều được bố trí nguyên trạng mà sinh động đã “khảm” vào bức tranh di tích, làm sáng bừng một giai đoạn lịch sử oanh liệt của quân và dân khu 5. Theo ông Trần Đức Ngọc - Giám đốc Ban quản lý di tích, căn cứ cách mạng tại Phước Trà ghi dấu ấn là nơi cuối cùng diễn ra Đại hội Đảng của Khu ủy trong chiến tranh, có sứ mệnh lịch sử quyết định đến thành công của cách mạng miền Trung và Tây Nguyên, góp công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Tôi đã từng sống, chiến đấu với nhân dân các dân tộc tại đây, được nhân dân các dân tộc cưu mang, giúp đỡ. Hôm nay trở lại nơi đây, tôi rất xúc động trước sự đổi thay, trưởng thành của đồng bào. Mong các đồng chí ở tỉnh, huyện cùng đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống, gìn giữ nơi đây xứng đáng với tầm vóc lịch sử của khu 5”.(Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công)

Tham quan hội trường - nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ khu 5 lần thứ III, nhìn những tấm ảnh bao quát và cận cảnh về đại hội, ảnh đồng chí Võ Chí Công đọc báo cáo tại đại hội, hay ảnh các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khu 5 khóa III, chúng tôi cảm nhận được ý chí tiến công cách mạng lúc bấy giờ. Ở đại hội này, quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra là “đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, kế hoạch “mở các chiến dịch lớn tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi hướng đến giải phóng các tỉnh trong toàn khu 5” đã được thảo luận và thông qua. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, Đại tướng Chu Huy Mân - Phó Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5, quân và dân khu 5 đã tiêu diệt lớn sinh lực địch, giải phóng Tây Nguyên, làm bàn đạp giải phóng khu vực đồng bằng và thành phố của khu 5, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Địa chỉ đỏ

Đến với Di tích Lịch sử Phước Trà - di tích cấp quốc gia Căn cứ Khu ủy 5 vào những ngày toàn dân hân hoan chào mừng kỷ niệm 39 năm Giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, chúng tôi càng thấm thía sự kỳ vĩ, thiêng liêng nhưng cũng quá đỗi bình dị của một thời trận mạc kiên trung. Như để “thắp lửa” tiếp nối truyền thống đó, đồng chí Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, nay là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy chia sẻ: “Đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam nói chung, huyện Hiệp Đức nói riêng, luôn sáng ngời truyền thống yêu nước. Tháng 3.1960, chỉ với dao, rựa và lòng mưu trí, dũng cảm, nhân dân nóc Ông Tía (Trà Nô) đã làm nên cuộc khởi nghĩa hào hùng, tiêu diệt gọn tiểu đội lính ngụy được trang bị vũ khí tối tân, nâng cao khí thế tiến công tiêu diệt địch của đồng bào các dân tộc miền núi. Với truyền thống đó, các thế hệ hôm nay càng phải phấn đấu vươn lên, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước”.

Từng là căn cứ cách mạng quan trọng của Khu ủy 5, di tích đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Tại đây, ngày 29.11.2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã viết: “Tôi rất xúc động có dịp về thăm đồng bào các dân tộc Ca Dong, Mơ Nông, quân và dân xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức ngay tại “hành dinh” của Khu ủy khu 5 trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước huyền thoại của dân tộc ta. Tôi mong muốn Đảng bộ và nhân địa phương tiếp tục xây dựng quê hương giàu mạnh, xây dựng, giữ gìn tốt di tích lịch sử tại đây”. Ngày 13.1.2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm khu di tích này. Nói chuyện với đồng bào, cán bộ xã Sông Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  bày tỏ niềm vui trước những đổi thay nhanh chóng của vùng căn cứ kháng chiến, trước niềm tin vững bền của các thế hệ cán bộ, quân và dân Hiệp Đức với Đảng. Tổng Bí thư động viên cán bộ và nhân dân Hiệp Đức tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó phát triển kinh tế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống ngày càng ấm no.

Tác giả: NGUYỄN QUANG VIỆT

[Trở về]

Tên Video
No records to display.

 

BẢN QUYỀN ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHƯỚC GIA
Địa chỉ: Phước Gia - Hiệp Đức - Quảng Nam
Điện thoại:
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong tháng